DỊCH HẠI CHÍNH TRÊN CÂY CHÈ VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG
1. Tổng quan
Cây chè là cây công nghiệp dài ngày, có chu kỳ kinh tế dài, một lần trồng cho thu hoạch nhiều năm, chăm sóc thu hái đúng quy trình có thể cho thu hoạch hàng trăm năm. Trong sản phẩm của chè có chứa trên 90 hợp chất hữu cơ và là loại đồ uống bổ dưỡng và có giá trị sinh học cao nên sản phẩm chè được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.
1.1 Tình hình gieo trồng
Cây chè được trồng tại 63 nước trên thế giới với tổng diện tích 2.550 ngàn ha, sản lượng đạt trên 4,210 triệu tấn. Tuy nhiên diện tích và sản lượng tập trung chủ yếu ở một số quốc gia có điều kiện tự nhiên và khí hậu thích hợp. Các nước sản xuất chè nhiều gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Srilanca, Kenya, Việt Nam, Indonesia, Gruzia, Thổ Nhĩ Kỳ.
Tại Việt Nam, cây chè có một lịch sử lâu đời. Người dân ở các vùng nông thôn và đô thị đã có thói quen uống chè từ xa xưa. Do đất đai và khí hậu thích hợp với cây chè nên Việt Nam là một trong bảy vùng trồng chè cổ xưa nhất thế giới. Hiện nay diện tích trồng chè nước ta đạt khoảng 129.400 ha (trồng tại 25 tỉnh, thành trong cả nước), trong đó diện tích chè kinh doanh khoảng 110.700 ha. Năng suất chè bình quân hiện nay đạt khoảng 7,3 tấn chè búp tươi/ ha, sản lượng búp tươI cả nước đạt trên dưới 824.000 tấn. Cây chè dễ trồng, cho thu nhập kinh tế khá cao, ổn định và là cây góp phần quan trọng vào việc xoá đói giảm nghèo cho nhân dân các vùng trung du, miền núi phía Bắc, khu 4, miền Trung và Tây Nguyên.
Trong tổng số 25 tỉnh, thành trồng chè trong cả nước; thì 15 tỉnh miền núi, trung du phía Bắc trồng khoảng 91.400 ha chiếm 70,6%, các tỉnh Tây Nguyên (4 tỉnh) trồng khoảng 25.000 ha chiếm 21,8%, các tỉnh vùng khu 4 cũ (4 tỉnh) trồng khoảng 9.100 ha chiếm 7% và các tỉnh duyên hải miền Trung (2 tỉnh) trồng khoảng 600 ha chiếm 0,5% tổng diện tích trồng chè của cả nước. Các tỉnh có diện tích chè lớn là Lâm Đồng 23.600 ha, Hà Giang 18.900 ha, Thái Nguyên 17.700 ha, Phú Thọ 16.400 ha.
Thời vụ và kỹ thuật thu hái chè hàng năm thường được tiến hành như sau: Vụ Xuân thu tháng 3-4, hái chừa lá cá và 2 lá thật, tạo tán bằng; Vụ Hè Thu thu tháng 5-10 (là vụ có năng xuất cao nhất trong năm), hái chừa lá cá và 1 lá thật, tạo tán bằng; Vụ Đông thu tháng 11-12. Tháng 11 hái chừa 1 lá cá, tháng 12 hái cả lá cá. Tuy nhiên việc chừa nhiều hay ít còn tùy thuộc vào tình trạng sinh trưởng của cây chè nếu lô chè sinh trưởng tốt chừa ít, sinh trưởng xấu chừa nhiều…
1.2 Kỹ thuật canh tác
Cây chè có 2 thời kỳ phát triển chính là kiến thiết cơ bản và kinh doanh. Để cây chè phát triển tốt và đạt hiệu quả kinh tế cao, người trồng chè cần áp dụng Quy trình kỹ thuật chăm sóc đối với cây chè do cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp tại địa phương ban hành. Đối với Quy trình quản lý chăm sóc chè kinh doanh người trồng chè cần nắm vững kỹ thuật: đốn chè; hái chè; bón phân; giữ ẩm, tưới nước; phòng trừ sâu bệnh, cỏ dại; cải tạo vườn chè suy thoái…
1.3 Dịch hại chính
Theo các tài liệu điều tra cơ bản, chúng ta đã xác định được 46 loài sâu hại, 5 loài nhện, 18 loài bệnh và tuyến trùng hại chè, chưa kể hàng chục loại cỏ dại hại chè. Trong các loài sâu, bệnh hại chè, có một số loài thường xuyên xuất hiện, gây hại làm giảm năng suất, chất lượng búp chè mà người trồng chè thường xuyên phải quan tâm. Để có thể dễ nhận biết, các loại dịch hại chủ yếu được phân thành các nhóm gây hại tùy theo các bộ phận bị hại của cây như sau:
Nhóm sâu bệnh hại búp:
Rầy xanh (Empoasca flavescens Fabricius; nhện đỏ (Olygonychus coffeae Nietner), bọ xít muỗi (Helopeltis antonii Signoret; Helopeltis theivora Waterhouse), bọ cánh tơ (Physothrips setiventris Bagn), bệnh thối búp (Collectotrichum camellia Mass.),
Nhóm sâu bệnh hại lá:
Nhiều loại thuộc bộ cánh vảy như sâu róm, bọ nẹt, sâu kèn, cùng nhóm nhện (nhóm nhện thường có hiện tượng bùng phát về số lượng nên nhiều khi gây hại nghiêm trọng), bệnh cháy xám lá (Pestalozia theae Sawada), bệnh cháy nâu lá (Collectotrichum camellia Mass.), bệnh phồng lá (Exobasidium vexans Mass.),
Nhóm sâu bệnh hại rễ, cành:
Chỉ có một số ít loài gây hại, nhưng quan trọng nhất là mối và dế hại chè con, sâu đục thân, mọt đục cành, bệnh khô cành, bệnh tuyến trùng, bệnh sùi cành (Bacterium gorlenko Viarum), bệnh chết loang (Rosellinia necatrix Berl), bệnh nấm tóc (Marasmius equicrinis Muell). Các loài sâu hại khác ghi nhận sự xuất hiện, gây hại không thường xuyên hoặc không đáng kể.
2. Bảo vệ tổng hợp
Việc phòng trừ các loại dịch hại trên chè có tác động rất lớn tới năng suất và phẩm chất sản phẩm chè. Nhiều sản phẩm chè không được người tiêu dùng chấp nhận do sử dụng thuốc BVTV không đúng kỹ thuật. Việc áp dụng Quy trình phòng trừ dịch hại tổng hơp trên cây chè là xu thế chung hiện nay. Trong trường hợp phòng trừ dịch hại bằng thuốc hóa học cần được hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật và tuân thủ nguyên tắc 4 đúng.