Bài Viết Chọn Lọc
TÁC ĐỘNG CỦA THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT LÀ GÌ? Ý NGHĨA VÀ ÁP DỤNG THỰC TIỄN
Posted On
June 20, 2019
at 9:07 am
by lovetadmin / Comments Off on TÁC ĐỘNG CỦA THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT LÀ GÌ? Ý NGHĨA VÀ ÁP DỤNG THỰC TIỄN
1. CÁCH TÁC ĐỘNG: Là đường xâm nhập gây hại của thuốc vào cơ thể dịch hại.
Có 5 cách tác động chủ yếu sau:
TIẾP XÚC:
Thuốc trừ sâu tiếp xúc xâm nhập vào cơ thể sâu qua biểu bì da để tiêu diệt.
Thuốc trừ bệnh tiếp xúc khi phun lên cây chỉ bám dính trên bề mặt lá cây hoặc vỏ thân cây và chỉ diệt những vi sinh vật có tiếp xúc với thuốc ở bề mặt cây.
Thuốc trừ cỏ tiếp xúc chỉ gây cháy ở nhứng nơi cây có tiếp xúc với giọt thuốc.
VỊ ĐỘC:
Là tác động của thuốc khi xâm nhập vào bộ phận tiêu hoá của động vật (côn trùng, chuột, chim …). Chất độc ăn qua đường miệng vào trong ruột, hoà tan trong dịch vị ở dạ dày và ruột giữa, thấm qua thành ruột và di chuyển đến các cơ quan trong cơ thể để gây hại.
XÔNG HƠI:
Thuốc có thể sinh khí, khói, mù có tác dụng diệt côn trùng, nấm, vi khuẩn, chuột. Thuốc tác động xông hơi có thể dùng phun lên cây, xông hơi trong nhà ở, kho tàng, nhà kính, hàng hoá hoặc trong đất để dễ tiêu diệt các sinh vật gây hại. Hơi thuốc độc xâm nhập qua lỗ thở hoặc trực tiếp tiêu diệt dịch hại.
NỘI HẤP (LƯU DẪN):
Là khả năng của thuốc có thể xâm nhập và di chuyển trong cây để tiêu diệt dịch hại bằng cách tiếp xúc hay vị độc. Trong cây, thuốc có thể di chuyển theo 2 chiều là hướng ngọn (chỉ di chuyển lên các lá, chồi ở phía ngọn) và hướng rễ ( thuốc xâm nhập vào lá rồi di chuyển xuống phía gốc, rễ).
THẤM SÂU:
Thuốc có khả năng thấm qua các lớp tế bào biểu bì cây để giết dịch hại nằm dưới lớp biểu bì, mà không có khả năng di chuyển trong cây.
Ngoài 5 cách tác động chủ yếu trên, một số thuốc trừ sâu còn có khả năng xua đuổi hoặc làm sâu ngán ăn mà không phá hại nữa.
2. PHỔ TÁC DỤNG: (phổ tác động)
Là số lượng các loài dịch hại mà thuốc có thể tác động tiêu diệt được.
Tuỳ theo số lượng các loài dịch hại tiêu diệt được nhiều hay ít mà gọi là thuốc có phổ tác dụng rộng hay phổ tác dụng hẹp.
Thuốc có phổ tác dụng hẹp cũng còn được gọi là thuốc có tính chọn lọc, phổ tác dụng càng hẹp thì tính chọn lọc càng cao.
3. TÍNH CHỌN LỌC CỦA THUỐC TRỪ CỎ:
Thuốc trừ cỏ chọn lọc là thuốc khi phun lên ruộng có cả cây trồng và cỏ dại thì thuốc chỉ diệt cỏ mà không hại cây trồng ( ví dụ như : Quinix 32wp, Acenidax 17wp, Natos 15wp, Butanix 60EC …)
Thuốc trừ cỏ không chọn lọc là thuốc diệt được cỏ và cũng hại cả cây trồng do vậy chỉ sử dụng trên đất không có cây trồng hoặc khi phun không để thuốc bay vào lá cây trồng ( ví dụ như: Niphosate 480SL, Paraquat …)
Có 3 cơ chế chính tạo nên tính chọn lọc của thuốc trừ cỏ là:
CHỌN LỌC SINH LÝ:
Khi phun lên ruộng, thuốc được cả cây trồng và cây cỏ hút vào nhưng đối với cây trồng, thuốc sau khi xâm nhập vào sẽ bị phân giải trước khi gây độc hại hoặc bị cô lập tại một điểm mà không vận chuyển được trong cây để gây hại. Trong cây trồng có thể sinh ra các chất phân giải hoặc cô lập thuốc trước khi xâm nhập vào. Ngược lại, trong cây cỏ thuốc phân giải chậm và vận chuyển tới điểm sinh trưởng làm cây cỏ bị hại và chết.
CHỌN LỌC SINH THÁI:
Một số loài cỏ có lớp sáp trên mặt lá ít, phiến lá rộng hoặc mọc xoè ra nên lượng thuốc xâm nhập nhiều và dễ bị hại. Cây lúa có lớp sáp trên lá dày, lá lại hẹp và mọc đứng nên ít bị thuốc xâm nhập hơn nên không bị hại.
CHỌN LỌC KHÔNG GIAN:
Sau khi phun thuốc lên ruộng, thuốc cỏ thường tập trung nhiều ở tầng trên mặt đất, khoảng 1 – 2 cm. Phần lớn hạt cỏ lại ở tầng này nên bị thuốc tác động. Rễ cây trồng, nhất là với lúa cấy, mọc ở lớp đất sâu hơn nên không bị hoặc ít bị tác động bởi thuốc.
4. THỜI GIAN TÁC ĐỘNG CỦA THUỐC TRỪ CỎ:
Những loại thuốc trừ cỏ chỉ tác động lên hạt cỏ khi nảy mầm và phải sử dụng khi hạt cỏ sắp hoặc đang nảy mầm, gọi là thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm. Những thuốc này xâm nhập vào cây cỏ qua rễ và mầm cỏ mới mọc. Khi sử dụng đất phải đủ ẩm để hạt cỏ nảy mầm thì hiệu quả trừ cỏ mới cao. (ví dụ như: Butanix 60EC, Sofit (pretilachlor)…)
Những loại thuốc trừ cỏ chỉ có tác động diệt cỏ khi đã mọc thành cây gọi là thuốc tác động hậu nảy mầm. Những thuốc này xâm nhập chủ yếu vào cây cỏ qua lá, một ít qua rễ. (ví dụ như: Whip S (Fenoxaprop-P-Etyl), Ally …)
Có thể chia thuốc trừ cỏ ra làm 3 loại:
Thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm: Sử dụng thuốc ở giai đoạn từ (0 – 5) ngày sau sạ khi hạt cỏ sắp hoặc đang nảy mầm.
Thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm sớm: Sử dụng thuốc ở giai đoạn từ (5 – 10) ngày sau sạ khi cỏ mọc được từ (1 – 2) lá.
Thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm muộn: Sử dụng thuốc ở giai đoạn từ (10 – 25) ngày sau sạ khi cây cỏ mọc từ 3 lá trở lên.