HỎI – ĐÁP: XIN CHO BIẾT CÁCH KHẮC PHỤC HIỆN TƯỢNG XƠ MÍT VÀ MÚI MÍT BỊ CHẤM ĐEN – AGRICULTURE
Chat hỗ trợ
Chat ngay
Bài Viết Chọn Lọc

HỎI – ĐÁP: XIN CHO BIẾT CÁCH KHẮC PHỤC HIỆN TƯỢNG XƠ MÍT VÀ MÚI MÍT BỊ CHẤM ĐEN

Posted On March 12, 2019 at 10:01 pm by / Comments Off on HỎI – ĐÁP: XIN CHO BIẾT CÁCH KHẮC PHỤC HIỆN TƯỢNG XƠ MÍT VÀ MÚI MÍT BỊ CHẤM ĐEN

Hỏi:

Kính gởi Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre,

Em là Đạt, ở Bà Rịa Vũng Tàu. Gia đình em có trồng một vườn mít Thái giống tên viên linh. Thời gian trồng đã được khoảng 3 năm. Thời điểm này, đã có một số cây bói trái. Nhưng không hiểu sao, khi bổ ra thì múi mít bị các chỗ chấm đen, và cả sơ mít cũng vậy.

Nhìn thấy không được đẹp mắt và ăn vô thì hơi nhặng nhặng. Kính mong sở tư vấn cho em biết đây là hiện tượng của bệnh gì và cách khắc phục như thế nào. Ngoài ra, xin các chuyên gia hướng dẫn thêm cho em một vài kinh nghiệm để chăm sóc mít ra trái chất lượng.

Ví dụ như: múi mít to hơn, dầy hơn hay ngọt hơn, v.v.

Em xin chân thành cảm ơn!

Trả lời:

Bạn Đạt thân mến!

Theo mô tả của bạn thì tôi nghĩ mít của bạn bị những chấm màu nâu sậm và khi ăn nơi đó có vị đắng. Đây là hiện tượng bệnh thường thấy trên các giống mít nhập nội. Tôi cũng đã tham khảo nhiều tài liệu, các thầy cô Trường Đại học Cần Thơ, các anh chị Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam nhưng chưa tìm ra tác nhân gây bệnh.

Các nhà nghiên cứu cũng chỉ mới trong giai đoạn lấy mẫu xem xét chẩn đoán cho bệnh này. Vì thế, tôi chưa thể giúp bạn được mong bạn thông cảm có thông tin gì tôi sẽ thông báo cùng bạn sau.

Về kỹ thuật để trồng mít đạt hiệu quả cao, tôi có mấy ý cùng bạn:

Cây mít cũng như bao cây trồng khác muốn cây cho năng suất chất lượng tốt thì trong giai đoạn kiến thiết cơ bản (từ khi trồng đến khi cho trái) bạn nên quan tâm thực hiện đúng quy trình hướng dẫn như:

Khâu thiết kế vườn trồng: cần lưu ý vườn trồng mít phải thoát nước tốt trong mùa mưa, chống xói mòn để đảm bảo độ phì cho đất, quanh vườn thông thoáng hạn chế sâu bệnh. Thường thì kích thước hố trồng 40x40x40 (60)cm, nên xẻ rãnh thoát nước khi mùa mưa.

Vũng Tàu quê bạn cũng khan hiếm nước vì vậy bạn nên trồng mít vào mùa mưa để tận dụng nước tước (thường nếu chủ động được nước bạn trồng vào mùa nắng cây phát triển nhanh hơn). Đất xấu, cằn cỗi nên trồng mít dày, khoảng 300 cây/ha (5×6 m). Đất tốt nên trồng mít thưa chỉ khoảng 250 cây/ha (5×8 m).

Tôi không thể lấy quy trình Bến Tre khuyến cáo cho bạn nên tham khảo tài liệu trích dẫn để bạn tham khảo cách chăm sóc (nguồn Bộ NN&PTNT).

– Trước khi trồng bón lót mỗi gốc 10-20kg phân chuồng hoặc 5-6kg phân hữu cơ vi sinh với 0,5kg lân, 0,5kg vôi bột và 10 gram Furadan 3G. Đất có độ dốc thấp trồng mặt bầu ngang mặt đất, đất có độ dốc cao trồng mặt bầu thấp hơn mặt đất từ 20-30cm, cắm cọc để cố định cây con, nếu đất khô phải tưới và ủ ẩm cho cây.

Chăm sóc

Năm trồng

Loại và liều lượng phân sử dụng (kg/cây/năm)

Vôi bột

Phân hữu cơ

Urê

DAP

Kali

1

1,5

10

0,2

0,4

0,3

2

1,5

10

0,6

0.9

0,9

3

1,5

10

0,6

0,9

0,9

Từ năm thứ 4 trở đi cây bắt đầu cho trái nhiều, sau khi thu hoạch bón mỗi gốc 20-30kg phân chuồng ủ hoai, 1kg vôi bột. Còn phân hóa học sau khi thu hoạch chia làm 3 lần để bón, mỗi lần cách nhau 10 ngày.

Số lượng phân bón cho mỗi gốc khoảng 0,3kg ure; 0,2kg DAP; 0,15kg kali/lần. Đến thời điểm cây ra hoa bón 3 lần phân hóa học, mỗi lần cách nhau 10 ngày số lượng 0,15kg DAP; 0,1kg kali/lần. Lúc cây đậu trái và nuôi trái bón 0,8kg ure và 0,35kg kali/cây.

– Khi làm cỏ cho cây mít chú ý, rễ mít thường mọc nổi không cuốc sâu quanh gốc sẽ đứt rễ. Đặc biệt, trong giai đoạn đang cho trái nếu làm cỏ để đứt rễ dinh dưỡng bị xáo trộn, trái sẽ nhỏ, chất lượng giảm và đôi khi múi còn bị sượng. Nếu có điều kiện nên lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm và bón phân qua đường ống sẽ giảm được nhiều công tưới, bón phân hóa học, trong khi năng suất chất lượng trái tăng cao.

Chúc bạn thành công.

ThS Huỳnh Thị như Thủy