Bài Viết Chọn Lọc
TỔNG HỢP CÁC BỆNH VÀ CÁCH TRỊ BỆNH TRÊN CÁ LĂNG
Posted On
February 27, 2019
at 3:36 pm
by lovetadmin / Comments Off on TỔNG HỢP CÁC BỆNH VÀ CÁCH TRỊ BỆNH TRÊN CÁ LĂNG
Vào mùa lạnh, thời tiết thay đổi là thời điểm làm cho cá lăng nuôi dễ gặp phải một số bệnh do ngoại ký sinh trùng gây ra như trùng quả dưa, trùng bánh xe, nấm… cùng với nhiễm kế phát các bệnh do vi khuẩn gây ra.
Trùng quả dưa trên mang cá lăng
Bệnh trùng quả dưa
Đây là bệnh do một loại ký sinh trùng có tên Ichthyophthirius multifiliis gây ra. Bệnh phát triển nhanh trong điều kiện nhiệt độ 22 – 250C. Trùng quả dưa thường ký sinh vào da, mang, cản trở hô hấp của cá, nên khi bị bệnh cá thường nổi trên mặt nước hoặc tập trung những nơi có dòng nước chảy. Khi cá bị nhiễm bệnh trên thân thường xuất hiện các lấm tấm trắng như vảy nhót, bệnh nặng làm cá loét cả mảng da, cá bệnh có biểu hiện nhào lộn, treo râu, lờ đờ, da nhợt nhạt. Bệnh xảy ra gây chết nhanh, nhiều nếu không xử lý kịp thời.
Để trị bệnh, cần tắm cho cá bằng hỗn hợp H2O2 với lượng 70 ml/m3 và axit acetic lượng 30 ml/m3 trong thời gian 5 – 10 phút, kết hợp với trộn thuốc Praziquantel vào thức ăn cho cá ăn liên tục trong 5 ngày với liều 1 g Praziquantel/20 kg cá/ngày, cho ăn 5 ngày liên tục để tránh bị nhiễm sán gây chết nhanh cho cá do cản trở hô hấp; Hoặc có thể dùng formalin, nồng độ 150 – 200 ml/m3 nước, tắm trong 5 – 10 phút, 2 ngày/lần, liên tục trong 3 ngày.
Do vòng đời của trùng quả dưa có giai đoạn bào nang rất khó điều trị nên cần phải tắm nhắc lại để loại bỏ được mầm bệnh. Trong quá trình tắm cần tăng cường ôxy hòa tan và theo dõi tình trạng cá.
Bệnh nấm thủy mi
Bệnh do một số giống nấm: Leptolegnia, Aphanomyces, Saprolegnia và Achlya gây ra. Bệnh xảy ra vào thời tiết lạnh nhiệt độ 18 – 250C, đặc biệt là khi cá bị xây sát hoặc viêm nhiễm ngoài da. Khi cá bị bệnh nhẹ rất khó phát hiện bằng mắt thường. Khi bệnh nặng, trên da cá xuất hiện vùng trắng xám tua tủa những sợi nấm nhỏ, mềm tạo thành những búi trắng như bông có thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Cá có cảm giác ngứa ngáy, gầy và đen sậm đi và tạo điều kiện cho vi khuẩn và ký sinh trùng gây bệnh xâm nhập làm cho cá bị bệnh nặng hơn, tác hại nghiêm trọng hơn. Bệnh phát triển thuận lợi trong các ao nuôi có mật độ cao, nước tù bẩn, hàm lượng chất hữu cơ cao và trong các bể ấp có nhiều trứng bị ung. Bệnh gây hại nhiều ở cá lồng giai đoạn cá con và cá thịt.
Điều trị bệnh bằng cách sử dụng một số hóa chất sau: Dùng CuSO4 lượng 7 – 10 g/m3, để tắm cho cá 1 lần/ngày, liên tục trong 3 ngày hoặc sử dụng Methylen 2 – 3 ppm và lặp lại 2 lần trong 1 tuần.
Bệnh gan thận mủ
Bệnh thường do vi khuẩn Edwardsiella sp. gây ra. Bệnh thường xảy ra ở cá lớn. Cá bị bệnh có biểu hiện bơi lờ đờ, màu nhợt nhạt, xuất huyết trên cơ thể; khi mổ cá quan sát trên gan, thận có biểu hiện lốm đốm trắng nên bệnh còn được gọi với tên khác là bệnh gan, thận mủ ở cá da trơn.
Do cá bị bệnh nhiễm khuẩn nên kháng sinh có thể điều trị bệnh này thành công; kháng sinh đặc hiệu với bệnh là Florphenicol, Doxycycline với liều 30 – 50 mg/kg cá/ngày, sử dụng trong 5 – 7 ngày liên tục, cùng với bổ sung Beta-Glucan hoặc Vitamin C với lượng 3 – 5 g/kg thức ăn/ngày nhằm nâng cao sức đề kháng cho cá nuôi.
Với những đàn cá ăn ít cần tạo bể giả trong các lồng nuôi rồi hòa kháng sinh với liều 20 g/m3 nước tiến hành ngâm cá trong 12 giờ, liên tục trong 3 ngày để điều trị.
Đặc biệt, sau khi điều trị bằng kháng sinh thì tiếp tục cho cá ăn thuốc xổ giun sán Praziquantel với lượng 1g/kg cá sử dụng 1 liều duy nhất. Cần lưu ý rằng, phải dùng đúng thuốc, đúng liệu trình và phải dùng sớm, và theo hướng dẫn của nhà sản xuất, bác sĩ thú y thủy sản để quá trình điều trị mang lại kết quả tốt nhất.
Giai đoạn chuyển mùa là lúc thời tiết thay đổi, nhiệt độ xuống thấp, chênh lệch nhiệt độ ban ngày và đêm khá lớn làm cho cá bị sốc nhiệt, bỏ ăn, suy yếu; đồng thời, nhiệt độ thấp cũng tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển, gây bệnh cho cá.