CÁCH PHA TRỘN THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT ĐÚNG KỸ THUẬT NHẤT – AGRICULTURE
Chat hỗ trợ
Chat ngay
Bài Viết Chọn Lọc

CÁCH PHA TRỘN THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT ĐÚNG KỸ THUẬT NHẤT

Posted On January 7, 2019 at 12:08 pm by / Comments Off on CÁCH PHA TRỘN THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT ĐÚNG KỸ THUẬT NHẤT

Trong trường hợp phải pha trộn nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật với nhau để gia tăng hiệu quả phòng trị, để phòng trị được nhiều đối tượng dịch hại hoặc để giảm bớt công phun thì phải tuân theo khuyến cáo của nhãn thuốc. Nếu nhãn thuốc chỉ dẫn chưa rõ thì áp dụng các biện pháp sau:

 1. Pha trộn để tăng hiệu quả phòng trị trên một đối tượng dịch hại:

Có thể pha thuốc thuộc các nhóm hóa học khác nhau (lân, hữu cơ, carbamate, cúc tổng hợp, thảo mộc, vi sinh), các thuốc có tác động khác nhau (tiếp xúc, nội hấp, lưu dẫn) hoặc thuốc có cơ chế tác động khác nhau (hệ thần kinh, chống lột xác, gây ngạt…).

2. Có thể pha trộn phòng trị nhiều loại bệnh, nhiều loại sâu, hoặc vừa sâu vừa bệnh, hoặc thuốc sâu với phân bón lá để phòng trị một lúc nhiều dịch hại.

3. Khi pha trộn thuốc với nhau thì giữ nguyên nồng độ của mỗi loại thuốc như lúc dùng riêng lẻ.

4. Không pha thuốc trừ cỏ với thuốc trừ sâu, bệnh.

5. Không pha trộn hợp chất gốc lưu huỳnh (Polysulfur calci) với hợp chất chứa đồng (Oxychlorua đồng).

6. Các loại thuốc trừ sâu, bệnh có thể hỗn hợp với phân bón lá và chất điều hòa sinh trưởng nhưng phải dùng ngay.

7. Để giúp các dạng thuốc khác nhau có thể hòa tan chung trong một bình phun, thì thứ tự đổ vào bình như sau: thuốc bột cho vào trước, thuốc nước cho vào sau.

Ngoài ra, để bảo đảm các loại thuốc khi pha trộn với nhau không tương tác về mặt hóa học và vật lý có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc hoặc gây ngộ độc cho cây trồng, bà con cần làm một thử nghiệm đơn giản như sau (trừ trường hợp đã xác định được thuốc có thể pha trộn với nhau thì không cần làm thử nghiệm):

– Pha riêng lẻ từng loại thuốc định phối trộn với nhau theo nồng độ khuyến cáo trên nhãn thuốc (mỗi loại pha chừng 100 ml nước).

– Lần lượt đổ các loại thuốc này vào một dụng cụ trong suốt để dễ quan sát (như ly thủy tinh) theo thứ tự nêu trên, dùng que quậy đều rồi quan sát sau 10-15 phút. Nếu hỗn hợp trên bị nóng lên hay bị bốc hơi hoặc bị kết tủa (lợn cợn), là không đạt yêu cầu pha trộn. Nếu hỗn hợp trên không có hiện tượng nào khác thường là thuốc có thể pha chung với nhau được.

Tuy nhiên, để bảo đảm không gây độc cho cây trồng cần phun thử hỗn hợp trên một vài cây trồng, nếu cây không bị ảnh hưởng thì mới tiến hành phun trên diện rộng.

Theo Cà Mau online